Hương Sơn – “Thiên đường” nghề nuôi hươu sao

Nằm nép mình dưới chân của dãy Trường Sơn hùng vĩ, huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến như là một địa chỉ “thiên đường” của nghề chăn nuôi đàn hươu sao lấy nhung… Nghề nuôi hươu đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới.

Gốc của nghề nuôi hươu sao

Nghề nuôi hươu sao ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được hình thành từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Trước, chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện nuôi hươu sao vừa để lấy lộc nhung làm thuốc tẩm bổ sức khỏe, vừa là thú chơi điền viên. Nhưng gần 10 năm qua, nuôi hươu đã trở thành mô hình nhân rộng khắp 32 xã, thị trấn, trở thành vật nuôi xóa đói giảm nghèo (nuôi hươu chiếm tỷ trọng trên 60% trong cơ cấu ngành chăn nuôi của huyện).

Ngày nay, hươu không chỉ được nuôi tập trung ở các xã nằm giáp biên giới Việt Nam – Lào cách xa trung tâm huyện hàng trăm cây số, mà tại cả thị trấn Phố Châu và vùng phụ cận. Nhiều gia đình mấy thế hệ, từ đời ông, cha đến con, cháu đều sống bằng nghề nuôi hươu.

Đến cuối năm 2011, tổng đàn hươu ở huyện Hương Sơn là hơn 25.500 con. Trong đó 3 xã nuôi nhiều nhất là Sơn Trung (1.988), Sơn Quang (1.883), Sơn Giang (1.816); các xã còn lại như: Sơn Ninh, Sơn Lâm, Sơn Tây, Sơn Hàm, Sơn Trường, Sơn Phú, Sơn Diệm, Sơn Châu… đều trên 1.000 con, Toàn huyện có hơn 500 mô hình nuôi 15 – 50 con, còn lại trung bình mỗi gia đình nuôi 3 – 10 con.

 

images878338_5_thi
Người dân tại Hương Sơn Hà Tĩnh đổi đời từ nuôi hươu lấy nhung.

Theo đề án phát triển chăn nuôi của huyện Hương Sơn, trong năm 2012 huyện tiếp tục phát triển tổng đàn hươu sao lên gần 30.000 con, thu về khoảng 10 tấn lộc nhung. Đến năm 2015 nâng lên gần 40.000 con với gần 11 tấn lộc nhung và năm 2020 sẽ đạt gần 50.000 con với trên 18 tấn lộc nhung…

Ông Phan Xuân Yên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết, nuôi hươu khá đơn giản, không cần nhiều vốn, thức ăn sẵn có trong vườn, trong rừng, gồm các loại lộc, lá cây, cỏ, mít, xoan đâu, lá sung. Ngoài ra vào thời kỳ phát triển lộc nhung (đối với hươu đực) hoặc chửa, đẻ và nuôi con (đối với hươu cái) có thể bổ sung hạt ngũ cốc ngô, khoai, lạc, đậu, sắn, gạo nếp…

  • Làm giàu từ con hươu

Những năm gần đây nhờ chính quyền địa phương xác định phát triển nghề chăn nuôi hươu là chủ lực, nên kinh tế huyện tăng trưởng khá nhanh.

Ông Phan Xuân Đề (50 tuổi), ở xóm Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, phấn khởi cho biết: “Gia đình nuôi 20 con hươu (10 con đực, 10 cái), mùa này cắt hơn 8kg lộc nhung, giá trị hơn 110 triệu đồng, chưa kể bán con giống. Gần 10 năm qua, nhờ hươu mà gia đình tôi thu nhập ổn định từ 70 đến trên 100 triệu đồng/năm. Làm được nhà mới, sắm được xe máy, tivi, tủ lạnh, điều hòa, bếp ga, gối nệm. Ngoài ra còn có điều kiện nuôi 2 đứa con ăn học. Sắp tới, gia đình tiếp tục đầu tư nuôi thêm 50 con hươu nữa”.

Ông Đề còn cho biết, nuôi 20 con hươu như vậy là chưa thấm tháp gì ở cái vùng đất Hương Sơn này. hiện, hàng trăm gia đình khác ở Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Lâm… bình quân trong chuồng có ít nhất 30 con hươu, bán nhung và con giống đều cho thu nhập trên 200 – 300 triệu đồng/năm là ít.

Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Đình San (80 tuổi) và bà Lê Thị Thanh (76 tuổi) ở xóm 3, Sơn Lâm cũng vừa mới cắt 3 cặp nhung hồng tươi rói, vui mừng khoe: “Nghề nuôi hươu đã gắn với gia đình mình gần 50 năm rồi, nhờ những cặp nhung hươu này mà gia đình mới khá giả, có của ăn của để và là “vị cứu tinh” giúp người dân nơi miền sơn cước này thực sự đổi đời toàn diện…”.

Theo Phòng NN-PTNT, tổng sản lượng lộc nhung hươu toàn vụ năm nay của huyện Hương Sơn dự kiến đạt 7,5 – 9 tấn, với giá bán trên thị trường 13 – 15 triệu đồng/kg (tăng 30% đến 50% so với năm trước), ước tính sẽ mang lại trên dưới 100 tỷ đồng. Năm nay, nhờ nhung hươu được nhà nước công nhận thương hiệu, nhung lại có giá trị tốt, nhu cầu sử dụng rất cao, nên trước, trong và sau Tết Âm lịch hàng chục lái buôn ở Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Thanh Hóa, TPHCM… tìm về đây thu mua với số lượng lớn.

IMG_0011

Do nghề chăn nuôi hươu sao ngày càng mang lại nguồn thu nhập cao, nên hàng ngàn gia đình ở huyện Hương Sơn đang tập trung đầu tư kinh phí xây dựng mới trang trại để nâng tổng đàn hươu của mình lên 35 – 50 con.

Ông Phan Văn Luật, 48 tuổi, ở xóm Đồng Đền, xã Sơn Lâm, cho hay ông đang đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua gỗ, con giống, vật liệu về xây dựng trang trại chăn nuôi dự kiến quy mô 50 – 60 con hươu. Ngoài được mùa nhung, được giá, năm nay người nuôi hươu ở Hương Sơn còn bán được hàng trăm con hươu giống với giá trị rất cao. Hươu giống đực khỏe mạnh cho lượng lộc nhung nhiều, chất lượng tốt có giá 20 – 23 triệu đồng/con, cho lộc nhung trung bình 7 – 9 triệu đồng/con. Hươu cái giá 2 – 6 triệu đồng/con.

Huyện đang tiếp tục hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi cơ sở chăn nuôi hươu mới quy mô trên 50 con. Từ 10 con trở lên, hỗ trợ trên 1 triệu đồng/con, hỗ trợ trồng cỏ sữa, VA06… Kết hợp với nhiều chính sách hỗ trợ khác của tỉnh và huyện, chắc chắn các năm tiếp theo sẽ thúc đẩy, phát triển mạnh, bảo tồn nghề nuôi hươu truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng thêm thu nhập và làm giàu cho người dân. Đồng thời, làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn mới tại huyện miền núi này…Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn

DƯƠNG QUANG – Báo SGGP

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *